- Dám Khác Biệt
- Posts
- TẠI SAO KỶ LUẬT và QUYẾT TÂM KHÔNG giúp bạn thành công?
TẠI SAO KỶ LUẬT và QUYẾT TÂM KHÔNG giúp bạn thành công?
và GIẢI PHÁP
🎙️ Nếu quý vị và các bạn thích NGHE hơn ĐỌC, bài viết dài này đã được xuất bản thêm thành Podcast tại ĐÂY
Kỷ luật KHÔNG phải chìa khóa của thành công
Quyết tâm theo phong trào, hừng hực khí thế
21 ngày dậy sớm
50 ngày đọc sách
100 ngày thể dục liên tục,…
Cũng KHÔNG phải chìa khóa của thành công.
Đọc sách phát triển bản thân truyền động lực cũng tương tự.
Bởi nếu kỷ luật, động lực, và lên giây cót tinh thần - quyết tâm, mà hiệu quả thật thì tất cả vấn đề của chúng ta đã được giải quyết triệt để rồi.
Bạn sẽ không thấy có ai lên mạng để mua sách “kỷ luật bản thân”.
Sẽ không có ai tuyên bố “quyết tâm” để được truyền động lực nữa.
Bạn có bao giờ tự hỏi
Tại sao có hàng ty tỷ các phương pháp và đầu sách để “kỷ luật, phát triển bản thân”.
Tại sao có hàng vạn các bài viết về “quyết tâm giảm cân, quyết tâm ăn uống healthy, quyết tâm đọc sách, quyết tâm học ngôn ngữ, quyết tâm làm giàu”…
Mà phần lớn chúng ta vẫn gặp khó khăn?
Mình đã trên hành trình hiểu bản thân, phát triển kỹ năng nghề nghiệp, tư duy, khả năng ngoại ngữ, đọc sách, học đàn hát, tập mỗi ngày - từ ngày mình ý thức được tầm quan trọng của những thứ này.
Đã được khoảng hơn 8 năm nay.
Mình liên tục quan sát để hiểu và điều chỉnh hành vi của bản thân.
Cũng như học từ những sai lầm của những người xung quanh, để rút ra bài học thực tế.
Mình thấy có rất nhiều người mình biết ở hiện tại, hay từ 5 - 7 năm trước.
Họ đọc sách truyền động lực, hừng hực khí thế, tuyên bố “quyết tâm từ nay sẽ dậy 5h sáng”.
Và chụp hình đăng lên mạng - họ làm được 2 ngày, đến ngày thứ 3, thiếu ngủ, thế là bỏ cuộc tới bây giờ.
Một số khác liên tục nói “phải ép bản thân vào khuôn khổ, kỷ luật, quy củ”, từ nay sẽ giảm 10kg, tập mỗi ngày, lấy lại vóc dáng…
Và họ làm được 1 tuần rồi cũng ko chịu nổi.
Có người học ngoại ngữ theo kiểu nhồi nhét chỉ tiêu, “Kỷ luật 1 ngày chép 30 từ tiếng Anh”.
Họ cũng làm được 50 ngày, quá mệt mỏi, tốn rất nhiều năng lượng, rồi quên sạch sau 1 năm, vì ko thể ứng dụng trong giao tiếp, hoặc ko bao giờ dùng đến.
Vậy vấn đề thực sự nằm ở đâu, và giải pháp là gì?
Chúng ta hãy cùng đào sâu trong bài viết lần này.
TẠI SAO ĐỘNG LỰC, QUYẾT TÂM, VÀ KỶ LUẬT KHÔNG HIỆU QUẢ?
VỀ ĐỘNG LỰC
Ngày trước, khi mới bắt đầu học hay làm bất cứ thứ gì mình hay nghĩ.
“Làm thế nào để mình có động lực nhỉ?”
Mình tìm đọc sách phát triển bản thân, nghe các video, podcast truyền động lực, tham gia các cộng đồng cùng “quyết tâm”.
Nào là phải hướng đến cuộc sống tốt hơn, nào là phải chống lại sự lười biếng, nào là tương lai tốt đẹp đang chờ đón những người chăm chỉ, đời ngắn đừng ngủ dài…
Dậy sớm để thành công, chúng ta cùng commit 50 ngày…
Nghe quen phải ko bạn?
Sau đó mình mới nhận ra, động lực là thứ ko bao giờ kéo dài, đặc biệt là những thứ đến từ bên ngoài - từ người khác, từ báo đài, mạng xã hội, sách phát triển bản thân.
Nó làm bạn nghiện, nghiện cảm giác được bơm động lực từ bên ngoài.
VỀ QUYẾT TÂM
Sau đó thì mình nghĩ
“Chắc mình cần có người cùng mình quyết tâm?”
Mỗi lần “quyết tâm” là mỗi lần chúng ta cảm thấy phê, cảm thấy high, rất “thẩm du tinh thần”.
Mỗi khi tuyên bố “tôi quyết tâm sẽ làm ABC trong XYZ ngày” , trong người ai cũng hừng hực khí thế, rạo rực muốn chinh phục cả thế giới.
Nhưng nó chỉ kéo dài được vài ngày đầu, nó phai nhạt đi qua những ngày tiếp theo.
Những ngày tiếp theo, có người bỏ cuộc luôn, có người vẫn làm, nhưng làm theo kiểu nghĩa vụ phải làm, có người đang theo dõi nên làm, làm ít dần, và ko còn hăng hái như những ngày đầu.
Làm vì đã lỡ mồm lỡ miệng tuyên bố rồi nên phải làm.
Như những ví dụ mình đã đề cập ở phần trước, rất nhiều người “quyết tâm” chỉ để cảm thấy “phê” ở 1 khoảnh khắc đó, sau đó chìm nghỉm.
Lâu dần, mình ko còn tin vào “quyết tâm” nữa.
Mình ko tin chính bản thân mình khi mình nói như vậy, và cũng ko tin những người khác khi họ “quyết tâm”.
VỀ KỶ LUẬT
Sau khi ko còn tin vào “động lực” từ bên ngoài, hay “quyết tâm” theo phong trào.
Mình chuyển qua nghĩ “nên dựa vào kỷ luật chứ ko nên dựa vào động lực”.
Bởi động lực không kéo dài mãi, nên “kỷ luật bản thân” là cần thiết, nghe rất hợp lý và logic.
Theo những gì mình đã thực hành, thí nghiệm mình rút ra được rằng - trong ngắn hạn, “kỷ luật” có thể là 1 phương pháp tạm thời (quick fix) cho vấn đề của bạn.
Nhưng trong dài hạn, nó sẽ bóp nghẹt bạn, nó sẽ làm bạn cảm thấy khó chịu, cảm thấy nặng nề, căng thẳng, và mệt mỏi.
Bởi khi bạn “kỷ luật” bạn sẽ có cảm giác mình đang phải “gồng”, phải “chịu đựng” để “gò bản thân vào 1 khuôn khổ”, bạn sẽ có nhiều cảm giác mất mát, hi sinh nhiều hơn là cảm thấy được.
Theo kiểu “Mặc dù ko thích, nhưng vẫn PHẢI làm, vì nhiều người nói rằng phải làm mới tốt”, thay vì hiểu, cảm nhận được giá trị nên làm 1 cách vui vẻ, tự nguyện.
Nếu bạn đã xác định bạn không thể thoát được việc học, đọc, làm, tập cả đời.
Vậy nếu bạn “kỷ luật” cả đời, cũng tương đương với việc bạn phải “gồng”, phải “chịu đựng” và phải “gò bản thân vào khuôn khổ” cả đời?
Đặc biệt khi kỷ luật ko đem lại hiệu quả nó sẽ tạo ra hiệu ứng ngược, làm bạn còn cảm thấy sợ, chán ghét thứ mà bạn làm.
Mình có giải pháp tốt hơn cho bạn. Hãy cùng đọc phần kế tiếp.
CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG VÀ BẢN CHẤT TRIẾT HỌC CỦA THÓI QUEN
Mình nhận ra hiểu bản thân, hiểu những suy nghĩ có trong đầu quyết định hành vi của mình và hiểu cơ chế hoạt động, bản chất triết học của thói quen mới là thứ quan trọng nhất.
Mình ko còn cần tới Động Lực từ bên ngoài, ko cần tới Quyết Tâm, hay Kỷ Luật.
Động lực ko phải cái xấu nhưng quá phụ thuộc vào sự tạo động lực từ bên ngoài mới là cái đáng lo ngại - Mình có nói ở podcast tập 4.
Mình nhận ra, nếu cần động lực, thì nó phải xuất phát từ bên trong, từ mong muốn thực sự, từ tình yêu và sự đam mê, từ việc hiểu rất rõ cái mà bạn đang làm.
Hiểu về thói quen sẽ khiến bạn hành động mọi thứ 1 cách điềm tĩnh, làm trong âm thầm, ko bị sốt sắng, ko cần tuyên bố để quyết tâm, ko bồn chồn và ko kỳ vọng kết quả sẽ đến ngay lập tức.
Sức mạnh của thói quen là, kể cả những khi KO cảm thấy “có hứng” hay “có động lực” - bạn vẫn sẽ làm, một cách nhẹ nhàng, tự động, ko cảm thấy ép buộc.
Hiểu về thói quen, chúng ta sẽ ko còn hỏi những câu “làm thế nào để kỉ luật hơn”, “anh ơi truyền động lực cho em với”, hoặc “Ko biết tôi quyết tâm thì có làm được ko?”
Trong rất nhiều năm.
Mình đã quan sát, lắng nghe, phân tích để hiểu hành vi và những suy nghĩ có trong đầu những lúc mình chủ động học kỹ năng, tập luyện, đọc sách, tập piano, học ngoại ngữ…
Và đặc biệt là vào những ngày mình tìm lý do để bỏ ko làm.
Mình nhận ra, có 2 lỗi cơ bản mà mình tin chắc chắn bạn cũng mắc phải, xin được chia sẻ với bạn.
Bạn bỏ cuộc vì cố mãi ko thấy kết quả.
Bộ não của con người hoạt động theo cơ chế thói quen.
Những hành động bạn làm hàng ngày, về bản chất là 1 bộ thói quen đã được lập trình từ trước.
Những thói quen được lập trình có chủ đích, hoặc vô thức, chúng được hình thành trồng chéo lên nhau.
Bạn làm đi làm lại trong hàng bao nhiêu năm, mà ko nhận ra.
Có thể bây giờ bạn thấy những thói quen này rất dễ, bạn có thể làm mà ko tốn 1 chút công sức nào - cụ thể là công sức ở trong đầu. Hoàn toàn effortless.
Bởi bạn đã làm nó vô số lần, bạn đã quên cái cảm giác khó từ lần đầu tiên bạn làm nó, hơn 20 năm trước, chẳng hạn.
Có vô số hành động chúng ta làm mà ko cần suy nghĩ, ko cần bỏ ra trí lực, hay quá nhiều tâm trí.
Ví dụ: lái xe trên đường từ chỗ làm về nhà, từ nhà đến trường,…
Đánh răng, nấu ăn, cầm đũa ăn, gắp thức ăn, tắm…
Tại sao chúng ta làm những thứ này ko cần quyết tâm, ko cần động lực, ko cần kỷ luật?
Khi bạn chưa xây dựng được thói quen.
Bạn nhìn những người nói tiếng Anh, tiếng Pháp… thành thạo, họ học ko bỏ ngày nào trong nhiều năm trời, bạn sẽ nghĩ họ rất chăm chỉ và quyết tâm.
Nhìn người tập thể thao, đọc sách, học ngoại ngữ, học kỹ năng hăng say mỗi ngày, bạn sẽ nghĩ họ rất kỷ luật, nghiêm khắc hoặc lúc nào cũng tràn đầy động lực.
Bản thân mình cũng làm việc, học và tập luyện 10-12 tiếng 1 ngày.
Nhiều người nghĩ như vậy sẽ rất căng thẳng, stress, vậy nên Howard Phung rất quyết tâm, thật là kỷ luật.
Nhưng sự thật ko phải như vậy, mình ko thấy bản thân mình kỷ luật, hay lúc nào cũng tràn trề động lực.
Bạn thắc mắc, tại sao những người này có thể làm được trong thời gian dài khủng khiếp như vậy?
Bạn sẽ nghĩ họ rất siêu, còn bạn rất lười.
Để hiểu hơn về bản thân, chúng ta cần hiểu về bản chất của thói quen. Vì thói quen chiếm phần lớn cuộc đời chúng ta.
Thói quen là thứ bạn ko thể muốn có là tự nhiên sẽ có.
Nó cần thời gian và rất nhiều thời gian, cũng như sự lặp lại để hình thành.
Chúng ta chỉ có thể ảnh hưởng và tác động, nhưng ko thể điều khiển nó.
Cũng ko thể ép bằng kỉ luật, bạn có quyết tâm đến mấy cũng ko thể hình thành được trong thời gian ngắn.
Thói quen là 1 thứ thuộc cơ chế bản năng tự nhiên của con người.
Bản chất, những người có thể học, làm việc, tập mỗi ngày trong thời gian dài, hoặc có thể nói là họ có khả năng làm liên tục cả đời là do họ đã xây dựng được 1 cái đà (momentum), 1 cái flow, nó cuốn họ đi 1 cách rất tự nhiên.
Nó khiến họ làm tự động ko cần nghĩ nhiều và ko cần động lực.
Khi bạn đã xây dựng được cơ chế tự nhiên với những thói quen tốt, bạn còn muốn làm, ko cần ai thúc ép.
Bạn còn yêu thích, say mê và muốn mất mình trong những thứ mà bạn làm, bạn tập trung cao độ.
Bạn còn thấy khó chịu, ngứa ngáy khi ko làm.
Đến đây bạn sẽ lại có thắc mắc, tại sao tôi biết như vậy về thói quen, đã thực hành rồi, nhưng mãi ko thấy kết quả, vẫn thấy nản, vẫn thấy khó khăn khi làm.
Bạn đã thử làm 1 vài tuần, 1 tháng,… nhưng bỏ cuộc vì nản, thấy khó, làm mãi ko có kết quả.
Câu trả lời là do thói quen của bạn chưa đủ mạnh, bạn cần nhiều thời gian hơn, kiên trì hơn, lặp lại nhiều hơn.
Cá nhân mình thấy 21 hay 30 ngày là ko đủ dài để hình thành sự tự động của thói quen, chưa đủ để thành bản năng tự nhiên.
Tính đến hiện tại:
Mình đã học tiếng Anh liên tục cũng được hơn 2000 ngày. Gần đây, mình tự học được IELTS 6.5 trong 40 ngày.
Mình học lập trình và đi làm kỹ sư phần mềm liên tục cũng được khoảng 1700 ngày.
Mình đã đọc khoảng gần 200 cuốn sách trong 8 năm.
Mình hình thành thói quen đi bộ + chạy bộ liên tục ít nhất 7Km/ ngày đã đến ngày 140.
Mình mới học tiếng Pháp được 36 ngày.
Mình nhận thấy ít nhất cần 90 ngày trở lên, để thói quen của mình đủ mạnh, trở thành bản năng tự động và mọi thứ trở nên dễ dàng.
Cần khoảng hơn 2.000 giờ để trở nên THÀNH THẠO, 10.000 giờ để thực sự MASTER.
Nếu bạn vẫn cảm thấy lạ lẫm, mới mẻ, khó chịu khi xây dựng thói quen, mình muốn bạn hiểu đây là điều bình thường, bởi thói quen của bạn chưa đủ mạnh.
Bạn bỏ cuộc vì ko cảm nhận được MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA, GIÁ TRỊ của thói quen bạn đang xây dựng.
Trong giai đoạn đầu hình thành thói quen, nếu ko hiểu được giá trị của thói quen bạn đang xây dựng, bạn sẽ dễ rơi vào trạng thái thắc mắc.
Tại sao thay vì làm những thứ dễ hơn, buông thả bản thân, mình lại phải xây dựng thói quen làm gì cho mệt?
Đi chơi, đi tám, đọc báo mạng hoặc lướt phây, chơi game, xem gameshow có phải nhẹ nhàng hơn ko?
Kết quả của thói quen chưa nhìn thấy ngay lập tức, cần phải tốn 1 khoảng thời gian dài nhất định, nó làm bạn mệt và nản.
Đây là lúc bạn cần nạp xăng, xăng ở đây là mục đích, ý nghĩa, và cảm nhận giá trị của thói quen.
Khi bạn vẫn coi 1 thói quen là 1 NGHĨA VỤ PHẢI làm, bạn chưa thành công, bởi nó làm bạn mệt và nghẹt thở.
Bạn chỉ cảm thấy bạn đang bị ép, bị mất mát, bị mệt, hoặc bị ai đó đốc thúc.
Tất cả những thứ này chỉ có tác dụng trong thời gian rất ngắn, sau khi ko có ai “quản lý, đốc thúc” nữa, bạn sẽ lao dốc ko phanh.
Mình đã chứng kiến rất nhiều người như vậy.
Ngược lại, khi bạn coi đó là 1 LỐI SỐNG LÀNH MẠNH, LỐI SỐNG HỌC VÀ PHÁT TRIỂN SUỐT ĐỜI, TƯ DUY HÀNH ĐỘNG LIÊN TỤC…
Có bảo bạn đừng làm nữa, đừng học kỹ năng kiếm tiền nữa, đừng đọc sách nữa, đừng học ngoại ngữ nữa, đừng học nhạc nữa, đừng tập thể dục nữa…
Bạn cũng KHÔNG THỂ DỪNG.
Bởi lối sống với con người bạn lúc này LÀ MỘT.
Vậy nên giải pháp cho vấn đề thứ 2 là chúng ta cần lập trình lại suy nghĩ trong đầu mình về cách nhìn nhận thói quen.
Chúng ta training lại bộ não về mục đích, ý nghĩa, và giá trị của thói quen mình đang làm.
Training càng cụ thể, càng rõ ràng bao nhiêu càng tốt, thậm chí nhắc đi nhắc lại, và tập cảm nhận ý nghĩa của thói quen mỗi ngày.
Ví dụ, thay vì chỉ nghĩ học ngoại ngữ để “tốt hơn”, hoặc “ai cũng bảo nên học”.
Hãy chuyển sang nghĩ Mục đích mình học là để đi du học, thậm chí định cư, làm việc ở môi trường quốc tế, làm các dự án công việc bằng tiếng Anh, sống như người bản xứ.
Khi có tiếng Anh, bạn có thể tự tin giao tiếp với tất cả mọi người, ở khắp nơi trên thế giới, bạn có thu nhập cao hơn gấp 2-3-10-100 lần.
Tiếng Anh là chìa khóa để đọc, học các kiến thức trong mọi lĩnh vực từ các bộ não hàng đầu trên thế giới.
Mất đi tiếng Anh, bạn đang mất đi 90% kiến thức chất lượng của nhân loại. Vì phần lớn nó được lưu trữ ở tiếng Anh.
Nó giúp bạn có trí nhớ tốt hơn 30-40% những người ko học, nó giúp bạn giỏi giang hơn, thông minh hơn.
Nó giúp bạn tự do có thể đi khắp năm châu bốn bể.
Tiếng Anh giao tiếp và chuyên ngành ko chỉ có lợi ích, giá trị, ý nghĩa về mặt tài chính, mà còn về mặt con người và cuộc đời bạn.
Đây là cách để chúng ta chủ động kiểm soát cuộc đời mình, thay vì để phần con bản năng lấn át, thay vì đổ lỗi cho hoàn cảnh.
Đọc sách cũng tương tự như vậy, thay vì chỉ coi đó là 1 nhiệm vụ, chạy KPI 1 năm đọc bao nhiêu cuốn.
Hãy nghĩ đọc sách giúp bạn tiết kiệm vô số thời gian, tránh những sai lầm ko đáng có, giúp bạn tăng thu nhập, giúp bạn thông thái, giúp bạn hiểu hơn về bản thân, thế giới, giúp bạn ra quyết định thông minh, giúp bạn sống 1 cuộc đời sâu, nhiều màu sắc, nhiều ý nghĩa…
Tập thể dục cũng như vậy, thay vì chỉ nghĩ tập là “tốt”. Hãy huấn luyện bộ não của bạn sâu hơn.
Nó giúp bạn đào thải hết các chất độc ra khỏi cơ thể, giúp bạn xả stress tận gốc.
Giúp bạn sống lâu hơn 30-40% những người ko tập.
Giúp bạn dẻo dai, bền bỉ, khỏe mạnh hơn, từ đó bạn gánh được nhiều công việc hơn, áp lực cuộc sống ko đánh gục được bạn.
Giúp trí tuệ bạn minh mẫn, giúp bạn kiếm nhiều tiền hơn.
Giúp body của bạn fit, mặc đồ đẹp hơn, tự tin hơn…
Giúp máu huyết lưu thông, bạn ngủ ngon và sâu hơn. etc…
Khi cảm nhận được mục đích, ý nghĩa, giá trị 1 cách rõ ràng.
Bạn sẽ càng muốn xây dựng thói quen tốt, bạn càng làm, thói quen càng mạnh.
Tạo ra 1 vòng lặp đi lên - positive feedback loops.
Thói quen càng mạnh, bạn sẽ càng làm mà ko cần suy nghĩ hay cố gắng nhiều.
Dần dần bộ mã thói quen mới này sẽ được cài đặt sâu vào trong hệ điều hành não của bạn.
Sau đó nó trở thành bản năng tự nhiên của bạn.
Bạn sẽ ko thể dừng, ko muốn dừng làm những thói quen tốt.
Đó là lý do, chúng ta ko cần kỷ luật, quyết tâm, hay động lực từ bên ngoài để thành công.
Hiểu bản thân, tự phản tư để rút ra bài học thông thái, ứng dụng thay đổi hành động, tạo ra kết quả tốt, mới là thứ quan trọng.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết.
Chúc bạn một ngày tốt lành.